
Ảnh sưu tầm
Tại tỉnh Ninh Bình, tình hình các bệnh truyền nhiễm cơ bản được kiểm soát và khống chế, không ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh truyền nhiễm. Trong năm 2024 ghi nhận một số bệnh với số mắc tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 như: ho gà, sởi, lao phổi, rubella, thủy đậu, sốt rét, thương hàn. Dự báo năm 2025, một số bệnh như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, dại và một số bệnh có vắc xin dự phòng vẫn có khả năng mắc và có nguy cơ lây lan thành dịch, đồng thời tiếp tục sẽ ghi nhận các trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi và bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Để chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh dịch trên địa bàn tỉnh nhắm hạn chế tối đa những thiệt hại do bệnh dịch gây nên; ngày 10/02/2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 26/KH-UBND yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố tăng cường phòng, chống dịch bệnh ở người tỉnh Ninh Bình năm 2025, cụ thể: Chỉ đạo tổ chức triển khai sớm, hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2025; Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất cơ sở trong việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch, đặc biệt kiểm tra các hoạt động triển khai phòng chống khi có dịch xảy ra. Các sở, ngành đoàn thể tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch của các đơn vị trực thuộc và tham gia đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố, tăng cường phối hợp liên ngành trong giám sát, phát hiện, chia sẻ thông tin và xử lý các loại dịch bệnh, trong công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh và trong hoạt động giám sát dựa vào sự kiện. Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước và kịp thời thông báo, chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp chủ động ứng phó, không để các dịch bệnh bùng phát, hạn chế tỷ lệ mắc, tử vong do bệnh dịch. Tổ chức giám sát dịch tễ thường quy và giám sát dựa vào sự kiện tại các cơ sở khám, chữa bệnh, tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm để kịp thời báo cáo, khoanh vùng, xử lý. Rà soát, củng cố năng lực thu dung, điều trị của các cơ sở y tế trên địa bàn để thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh thông thường, bệnh truyền nhiễm và đặc biệt là công tác điều trị, hồi sức tích cực.
Bên cạnh đó, chủ động cung cấp thông tin về tình hình bệnh truyền nhiễm và các khuyến cáo phòng, chống; thực hiện truyền thông, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, internet... và qua hệ thống truyền thông cơ sở với các hình thức phù hợp như thông điệp, inforgraphic, video, audio... nội dung và phương pháp tuyên truyền phải phong phú, hấp dẫn để mọi người dân dễ tiếp thu và thực hiện, chú trọng tuyên truyền những biện pháp phòng chống dịch. Thường xuyên cập nhật các quy định, quy trình về giám sát, xử lý dịch, phác đồ điều trị các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguy cơ xâm nhập và tổ chức đào tạo, tập huấn, giao ban trực tuyến nhằm tăng cường năng lực cho các tuyến đáp ứng yêu cầu điều trị, xử lý ổ dịch tại cộng đồng.
Tổ chức các đợt cao điểm tổng vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh: trong dịp Tết Nguyên đán; mùa lễ hội; nơi tổ chức các sự kiện; vệ sinh môi trường sau mưa, lũ; vệ sinh môi trường trong cơ quan, trường học; các điểm du lịch có nguy cơ cao. Thực hiện nghiêm túc Luật an toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường công tác phòng chống các dịch bệnh lây truyền qua đường thực phẩm và thực hiện tốt công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm để chủ động phòng ngừa bệnh dịch lây sang người.
Tổ chức triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng theo Kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2025. Tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh các tuyến, đặc biệt cho các cơ sở y tế tại các tuyến cơ sở. Đảm bảo hậu cần cho công tác phòng chống dịch. Phát triển hệ thống thông tin, báo cáo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về dịch tễ học của bệnh, tác nhân gây bệnh, về véc tơ truyền bệnh, vắc xin phòng bệnh, đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh, xây dựng mô hình để đề xuất các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.
Ngành y tế phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Quân đội, Công an, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trên người, bệnh từ động vật lây truyền sang người; phối hợp giám sát chặt chẽ các đối tượng phải kiểm dịch tại các cảng nội địa trên địa bàn.
Theo: https://ninhbinh.gov.vn/